Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Cẩm Điền - Huyện Cẩm Giàng

23/4/2023  |  English  |  中文

Xã Cẩm Điền, Huyện Cẩm Giàng, Tỉnh Hải Dương

​​

Cẩm Điền là một xã đồng bằng của châu thổ sông Hồng. Mảnh đất này được hình thành từ lâu, nhưng thuở ban đầu rất hoang vu, chỉ có lau lách, cỏ dại và chim thú. Cách đây khoảng hơn 1.000 năm con người đã đến khai phá, lập nghiệp. Theo thời gian số cư dân ngày một đông, dần dần hình thành dân ngày mọi lên các làng xã.

Trải qua những thăng trầm của năm tháng và các biến cố lịch sử - xã hội, từ khi tạo dựng lên làng xóm đến nay, xã Cẩm Điền đã nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, đổi tên làng, tên xã theo từng thời kỳ của lịch sử.

Xã Cẩm Điền ngày nay gồm 02 thôn: Mậu Tài, Hoàng Xá. Nhưng vào thời nhà Lý, Cẩm Điền có 2 xã (làng): Mao Điền và Hương Tô, thuộc tổng Mao Điền, phủ Đa Cẩm. Đến nhà Trần gọi chung là xã Mao Điền, thuộc tổng Mao Điền, phủ Đa Cẩm, thừa tuyên Hải Dương. Vào khoảng năm 968 - 979, 8 gia đình thuộc 6 hộ: Lê, Bùi, Đào, Vũ, Nguyễn, Ngô đến sinh cơ lập nghiệp, đã lập lên làng Mậu Lâm, ngày nay gọi là thôn Mậu Tài.

Cũng trong khoảng thời gian đó, các họ Lê, Nguyễn và Lương đến lập nghiệp ở cánh đồng Bưởi, được gọi là: Vĩnh Hưng đồn điền sở. Năm 1740 - 1744, giặc cướp kéo đến tàn phá, nhân dân phải bỏ nhà cửa chạy loạn, mãi đến năm 1785 mới trở về quần tụ bên bờ sông Bàn Hiền (tức sông Mao ngày nay). Dân cư ngày càng đông đúc, khu định cư được mở rộng, nhân dân đã đặt tên là làng Vương Điền. Sau được đổi tên là Hoàng Xá.

Thôn Hòa Tô nay đã hợp nhất với thôn Hoàng Xá thành Thôn Hoàng Hòa (tháng 9/2019), tên ban đầu là Hương Tô, cư dân đầu tiên có 8 hộ của dòng họ Đặng, họ Lê, họ Phạm và họ Lương đến lập nghiệp ở khu Bông, lập làng lấy tên là Hương Tô. Cũng giống như làng Vương Điền, nhân dân Hương Tô cũng bỏ làng chạy giặc cướp. Đến năm 1785 trở về sinh sống bên bờ sông Bàn Hiền (sông Mao) và lập lên làng mới gọi là Hòa Tô.

Sau cách mạng tháng tám 1945, Chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập có chủ trương bỏ đơn vị phủ, tổng, xã cũ thành lập xã mới cho phù hợp với tình hình và nhu cầu nhiệm vụ lúc đó. Nên xã Cẩm Điền được chia theo đơn vị hành chính sau: Tháng 4 - 1946 hợp nhất xã Mao Điền và xã Hương Tô thành một xã, lấy tên là xã Cẩm Điển, có 3 thôn: Mậu Tài, Hoàng Xá, Hòa Tô, thuộc huyện Cẩm giàng. Đến tháng 8 - 1948, Chính phủ quyết định cắt 6 thôn của tổng Phúc Cầu cũ (tức xã Cẩm Phúc) vào Cẩm Điền. Như vậy xã có 9 thôn là: Mậu Tài, Hoàng Xá, Hòa Tô, Lê xá, Vũ Xá, Nguyên Xá, Phúc Xá, Phúc Cầu và Tân Hòa. Đến năm 1956, 6 thôn lại được tách ra trả về xã Cẩm Phúc, Cẩm Điền còn lại 02 thôn cho đến ngày nay. 

 

Xã Cẩm điền ở phía đông thủ đô Hà Nội, có vị trí chiến lược rất quan trọng. Với diện tích tự nhiên 4,13 km2 nằm dọc Quốc lộ 5A - Còn đường giao thông huyết mạch của việt Nam - Cách đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và huyện bị Cẩm Giàng 3 km về phía Nam; Cách thị trấn kẻ Sặt (huyện bị Bình Giang): 2 km và thị xã Hải Dương 15 km 800 về phía tây. Cẩm Điền, bắc giáp xã Lương Điền; phía Nam là con sông Mao và xã Vĩnh Tuy; phía Tây giáp xã Hưng Thịnh và đường 20; Còn phía đông giáp giới với xã Cẩm Phúc.

Cẩm Điền là một xã nhỏ, chỉ có 1465 hộ, với trên 6100 dân. Tuy nhiên, xã có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế. Trước hết xã có hệ thống sông ngòi khá phong phú, đặc biệt là sông Mao, một nhánh của sông Hồng, không những cung cấp nước tưới và lượng phù sa màu mỡ cho đồng ruộng, sông mao cũng rất dồi dào về thủy sản phục vụ đời sống nhân dân và còn là đường giao thông thủy quan trọng của tỉnh. Do lòng sông rộng và sâu, nên tàu, thuyền qua lại dễ dàng thuận tiện cho việc giao lưu với các huyện trong tỉnh, cũng như tỉnh bạn: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Bắc...

Về đường bộ: Đường 5A chạy qua chia đôi xã, với độ dài 3km, cùng các đường liên thôn, liên xã đã tạo lên hệ thống giao thông đường bộ khá hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và đời sống xã hội của địa phương.

Với vị trí địa lý như trên, xã Cẩm Điền có những lợi thế mà các địa phương khác không có, điều đó tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội, giao lưu văn hoá trao đổi khoa học kỹ thuật với các địa phương trong và ngoài huyện. Tình hình kinh tế xã hội của Cẩm Điền những năm qua liên tục phát triển, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ; cơ cấu kinh tế được chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành Thương mại - Dịch vụ, Công nghiệp, giảm tỷ trọng ngành Nông nghiệp.

Ủy ban nhân dân xã đã thực hiện nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế của địa phương. Trong tiến trình phát triển kinh tế xã đã từng bước thu hút vốn đầu tư các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị góp phần phân công lao động trên địa bàn, tạo công ăn việc làm cho người lao động, cải thiện mức sống của người dân làm cho đời sống nhân dân ngày càng thay đổi và khởi sắc. Không chỉ trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại mà phát triển nông nghiệp luôn được địa phương chú trọng quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất, đã tạo ra nhiều việc làm cho con em địa phương.

Tuy xã có 02 thôn và nhiều dòng họ hợp thành, song hình thức sản xuất, văn hóa - xã hội, tôn giáo, phong tục tập quán cơ bản giống nhau, nhân dân trong xã đều theo đạo Phật. Trước kia thôn nào cũng có đình, chùa, miếu, nghè. Toàn xã có 03 ngôi đình, 4 ngôi chùa (Làng Hoàng Xá có 2 đình, 2 chùa) và hàng chục miếu, nghè nhỏ để thờ thần linh. Đặc biệt là đình chợ cổ kính, được xây dựng từ thời Tiền Lê (980 - 1009) với tên gọi là Nghinh Đông phố nằm sát bờ sông Mao thơ mộng. Đình chợ không chỉ là nơi họp bàn của hào lý địa phương, mà còn là nơi đón tiếp các quan đứng đầu tỉnh, phủ, huyện; Các quan trong triều về thăm tỉnh bộ.

Bên cạnh “Đình Chợ”, Văn Miếu được xây dựng vào năm 1450 thời Hậu Lê. Nơi đây được nhà nước phong kiến chọn tổ chức 3 khoa thi. Khoa thi đầu tiên vào năm 1535 của nhà mạc, lấy đỗ 18 tiến sĩ trong đó có trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhà Nguyễn tổ chức 2 lần vào năm 1862 lấy đỗ 42 tiến sĩ, trong đó đỗ đầu là đông Đỗ Tổng, và khoa thi năm 1889, 42 người đỗ tiến sĩ, ông Phạm Hoành đỗ thủ khoa, Văn Miếu đã được tỉnh xếp hạng di tích lịch sử (Quyết định số 206 ngày 24-7-1981) và được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2018 (Quyết định số 2082/QĐ – TTg, ngày 25/12/2017).

 

Nhìn chung các đình chùa, miếu, nghè đều thờ vọng những người có công với dân, với nước, đã được sắc phong là thần hoàng như Đức Đoàn Thượng Đại Vương. Có thể nói các đình, chùa và Văn Miếu của Cẩm Điền thực sự là các công trình lịch sử, văn hóa, nghệ thuật quí, được xây dựng cách đây từ vài trăm năm đến trên ngàn năm. Với những nét trạm trổ tinh vi, khéo léo của các bàn tay nghệ nhân tài ba đánh dấu công sức, trí tuệ của người dân Cẩm Điền.

Dòng sông, bến nước, cây đa, mái đình là biểu tượng của làng quê Việt Nam. Sân đình đã chứng kiến bao dịp lễ hội, đình đám vào tháng Giêng hàng năm, để tế lễ thần hoàng, thổ địa, trời đất, cầu cho "mưa thuận, gió hòa", làng xóm bình yên, dân làng khỏe mạnh, "ăn lên, làm ra". Mỗi kỳ lễ hội kéo dài từ 6 đến 10 ngày, dân các làng tổ chức rước thần, tế lễ ở đình và các trò chơi dân gian như: đấu vật, đánh võ gậy, kéo co, đánh đu, chơi cờ, chọi gà, múa lân... Ban đêm tiếng hát chèo, hát trống quân, hát ví hòa cùng tiếng sáo, nhị, tiếng trống rộn ràng trong thôn xóm. Trong những ngày hội hè cũng là dịp để cho trai tài gái sắc trổ tài đối đáp, nhiều cặp uyên ương đã lên vợ, lên chồng. Đây thực sự là ngày hội sinh hoạt văn hóa nghệ thuật quần chúng trong những ngày nông nhàn, để duy trì bản sắc văn hóa dân tộc ngày nông nhàn, để duy trì bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống, tạo lên không khí tươi vui, làm vơi đi phần nào nỗi vất vả, gian truân của người dân quê quanh năm "một nắng, hai sương", "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", cố kiếm lấy miếng cơm, manh áo trong cuộc sống hàng ngày.

Nhân dân Cẩm Điền còn có truyền thống hiếu học. Trước năm 1804, Mao Điền là tỉnh lỵ của Hải Dương, là trung tâm chính trị - văn hóa lớn của đồng bằng Bắc bộ. Năm 1450 (Hậu Lê) Văn Miếu được xây dựng thờ Đức Khổng Tử và đã từng được chọn làm nơi tổ chức các khoa thi Hội, thi Đình của triều đình phong kiến. Hàng năm vào tháng 2, tháng 8 các quan đứng đầu tỉnh thường về đây tổ chức lễ tế Tam sinh.

Ngay từ thời xa xưa, nhiều người Cẩm Điền đã vượt lên đói nghèo ra sức "dùi mài kinh sử" đã thành đạt từ con đường khoa cử, đã cống hiến tài năng cho dân, cho nước. Tên tuổi, phẩm giá đức hạnh của họ được người đương thời kính trọng như: Nguyễn Tuyền, người Mao Điền 22 tuổi đã thi đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (Năm 1715) làm quan tới chức Đông các hiệu thủ đốc trấn Lạng Sơn. Cụ Hoàng Ninh Tú người Hoàng Xá trúng thứ ba đệ nhất Giáp (Thám hoa) niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514) làm chức Tham Chính về chí sĩ, khi nhà Mạc làm việc thẩm nghịch ông chống lại bị chết. Đời Trung Hưng phong tặng là người tiết nghĩa, các cụ, Công Liệu, cống Vọng làm quan Thị đọc, chuyên giảng văn cho vua nghe, cụ Nguyễn Danh Tốn nổi tiếng thông minh, văn hay chữ tốt được dân gian suy tôn là Trạng Tốn. Về võ cụ Vệ Thừ nổi tiếng giỏi võ đi thị giành giải nhất trong vùng. Còn cụ Biểu Quén nổi tiếng thiên hạ về tài vẽ, cụ bà tổng Đoàn có đôi bàn tay khéo léo, dệt lên những tấm vải lụa vừa đẹp, vừa mịn, những tấm vải lụa của cụ thường được đem cung tiến nhà vua và hoàng tộc.

Là một địa phương có truyền thống đấu tranh cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1996 được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Toàn xã có 331 đối tượng chính sách của xã với 121 liệt sĩ, 12 Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng, 42 thương binh, 31 bệnh binh, 33 chất độc hóa học da cam, 92 gia đình liệt sĩ. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp chiếm 40% dân số, còn lại buôn bán và các ngành nghề khác chiếm khoảng 60%.

Tổ chức Đảng, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn thường xuyên và thông suốt từ xã đến thôn

Đến nay đã hoàn thành 100% số thôn phát động xây dựng làng văn hóa, đã có 02/02 thôn được công nhận danh hiệu làng văn hóa, đạt tỷ lệ 100%. Đến cuối năm 2017, xã Cẩm Điền được UBND tỉnh Hải Dương công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2025 đảng bộ và nhân dân xã nhà đang quyết tâm phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Ban Biên Tập VH-TT xã Cẩm Điền